5 tips ghi phần hoạt động trong CV xin việc

02/05/2024

Những sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường thường gặp khó khăn khi viết kinh nghiệm làm việc/ hoạt động vào CV. Nhận biết vấn đề này, Cổng việc làm trường Đại học Hồng Đức sẽ chỉ cho bạn 5 tips ghi phần hoạt động trong CV xin việc sao cho hiệu quả và thu hút nhất.

hoat-dong-trong-cv-xin-viec

1. Chỉ chọn những hoạt động có liên quan tới vị trí ứng tuyển

Khi viết CV, bạn chỉ nên đưa vào những thông tin giúp bổ trợ cho vị trí công việc đang ứng tuyển. Việc tập trung vào các hoạt động liên quan như vậy sẽ khiến mạch CV xuyên suốt hơn, từ đó để nhà tuyển dụng thấy được rõ ràng nhất mục đích cũng như định hướng công việc của bạn.

Đồng thời, khi liệt kê những hoạt động có liên quan tới vị trí ứng tuyển, bạn sẽ dễ dàng thể hiện được kinh nghiệm, kỹ năng và mức độ phù hợp của bản thân với công việc cũng như môi trường doanh nghiệp đang hướng tới.

2. Viết phần hoạt động chi tiết, cụ thể

Thay vì chỉ đơn giản liệt kê các hoạt động đã tham gia, ứng viên nên mô tả rõ những khía cạnh như mục đích, quy mô của hoạt động và vai trò, thành tựu của bản thân khi thực hiện hoạt động đó.

Nếu bạn có thể đưa những số liệu cụ thể hoặc hình ảnh, video chứng minh thì càng tốt bởi nó sẽ giúp CV của bạn trở nên rất sinh động, trực quan. Tuy nhiên, bạn không nên chèn ảnh/ clip trực tiếp vào mà hãy đính kèm link LinkedIn hay Portfolio để làm CV chuyên nghiệp hơn nhé.

3. Sắp xếp các hoạt động theo thứ tự logic

Cũng giống như cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV là từ gần nhất đến xa nhất, khi sắp xếp phần hoạt động, bạn cũng nên đẩy những ý nào quan trọng nhất, liên quan nhất tới vị trí ứng tuyển lên trên. Việc này sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng quan sát các ý chính hơn. Từ đó, có sự đánh giá rõ nét hơn về người mà họ đang xem xét.

Tuyệt đối đừng đưa hoạt động vào 1 cách vô tổ chức, không có sự sắp xếp chỉn chu bởi nó sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người thiếu tư duy logic, không có khả năng chọn lọc thông tin.

4. Tập trung thể hiện kỹ năng của bản thân qua các hoạt động

Ví dụ khi ứng tuyển vào ngành truyền thông, bạn cần thể hiện được sự năng nổ, tích cực khi tham gia hoặc tổ chức các hoạt động trong/ ngoài trường. Cụ thể là tham gia các dự án, sự kiện truyền thông của trường; hoạt động trong các câu lạc bộ truyền thông; tham gia 1 số dự án liên quan tới truyền thông (viết blog, sản xuất video, xây dựng kế hoạch quảng cáo sự kiện,...); hoàn thành 1 số khóa học ngắn liên quan tới truyền thông;...

Nhìn vào các hoạt động kể trên, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng đánh giá được mức độ thông hiểu cũng như năng lực, kỹ năng trong CV của bạn đối với ngành nghề tương ứng. Từ đó, cân nhắc xem bạn có phù hợp với vị trí họ đang tuyển hay không.

5. Liên kết các hoạt động với phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV

Ngoài việc đảm bảo các hoạt động có liên kết với vị trí công việc đang ứng tuyển thì bạn còn cần liên kết nó với phần trình bày mục tiêu nghề nghiệp trong CV nữa. Những hoạt động ấy phải phản ánh được định hướng cũng như thể hiện "lối đi" trong tương lai mà bạn hướng tới. Sự liên kết này sẽ nói lên động lực của bạn, thể hiện rằng bạn sẵn sàng gắn bó lâu dài với ngành. Đó chính là điểm cộng rất lớn giúp bạn dễ dàng chiếm được thiện cảm của nhà tuyển dụng.

Trên đây là 5 tips ghi phần hoạt động trong CV xin việc sao cho hiệu quả và thu hút nhất. Ngoài những lưu ý kể trên, bạn cũng nên thiết kế CV thật tối giản, trình bày logic để nhà tuyển dụng thấy rõ được tiềm năng cũng như sự tâm huyết bạn đặt vào hồ sơ nhé. Chúc bạn ứng tuyển thành công.

× Modal Image